Bài Viết

22 thg 12, 2012

Ra mắt X-Incubator - Vườn "tự ươm" startup công nghệ


X-Incubator là cái gì vậy?

X-Incubator là một vườn "tự ươm" dành cho startup công nghệ. Mỗi tháng X-Incubator sẽ nhận 3 startup ứng tuyển, mỗi startup sẽ nhận một khoản đầu tư "cực nhỏ", vừa đủ để startup đó có thể tung ra sản phẩm và hiện thực hóa ý tưởng.

Đầu tư mà lại còn "cực nhỏ", đùa đấy à?

Không hề! Đây không phải là một trò đùa. Nghiêm túc đấy.

Thế yêu cầu dành cho startup là gì?

Rất đơn giản, 4 gạch đầu dòng:
  • Bạn có một ý tưởng.
  • Bạn thật sự mong muốn biến ý tưởng đó thành hiện thực.
  • Bạn có đủ khả năng để làm ra thành phẩm từ ý tưởng đó.
  • Bạn có một kế hoạch để sản phẩm đó có thể tồn tại và phát triển được.
Vậy tôi nhận được bao nhiêu tiền?

Mỗi startup được X-Incubator nhận sẽ được đầu tư một khoản tiền tương đương 15$. Số tiền này là đủ để mua 1 domain .com ở name.com. Số tiền dư chắc là đủ mua 1 lốc RedBull để uống khi thức khuya làm việc.

WTF? Chỉ có thế thôi à? Còn gì nữa không?

Ồ, có. Nhưng không phải là tiền. Mình sẽ giới thiệu startup đến dự án máy chủ Cloud để hỗ trợ máy chủ cho Startup. Mình sẽ tư vấn miễn phí TẤT CẢ mọi vấn đề xoay quanh chiến lược sản phẩm, UI/UX, công nghệ, marketing,... từ kinh nghiệm tích lũy được của mình. Nếu không thể giải đáp hay thỏa mãn, mình sẽ dùng TẤT CẢ các mối quan hệ có thể để giới thiệu người có thể đưa ra lời khuyên hữu ích. Khi sản phẩm ra mắt, mình sẽ sử dụng TẤT CẢ các kênh truyền thông phù hợp để hỗ trợ giới thiệu sản phẩm đến với 10.000 người dùng đầu tiên.

Nghe có vẻ điên rồ phết. Thế thương vụ đầu tư này có rằng buộc gì không?

Ồ, ngoài 1% cổ phần nếu startup mở công ty chính thức (nếu không cũng chẳng sao cả) thì chẳng có gì rằng buộc hết. Sau khi chính thức nhận đầu tư, sẽ có 3 tháng để nghiệm thu kết quả vì vậy hãy sử dụng những thứ X-Incubator đầu tư một cách thông minh.

Làm thế nào để gửi đơn ứng tuyển nhận đầu tư?

Hãy gửi email về ninh@etpers.com, giới thiệu bạn là ai, bạn muốn xây dựng sản phẩm gì, trong 3 tháng bạn định làm những gì và sau 3 tháng bạn sẽ làm gì tiếp? Nhớ để tiêu đề email là "Ứng tuyển X-Incubator". Ngày cuối cùng mỗi tháng mình sẽ công bố các dự án nhận đầu tư. Hy vọng là không còn slot trống :D

Thật tình thì tôi vẫn không hiểu. Ông đang đùa à?

Không. Thật sự nghiêm túc. X-Incubator chỉ muốn nhấn mạnh rằng, bên cạnh tiền, có nhiều nguồn lực giá trị cần được khai thác tốt hơn, và một trong những nguồn lực giá trị nhất đấy chính là bản thân trí tuệ, sức lao động, hăng say và quyết tâm của người làm. Mục tiêu của X Incubator đơn giản là cung cấp cho các startup một nguồn lực cơ bản đủ để làm ra một sản phẩm hữu ích. Có thể mình sẽ không giúp được gì cho những người đã làm startup lão làng, nhưng có những nguồn lực độc đáo mình nghĩ là có ích cho những người mới bắt đầu.

Nói ngắn gọn lại xem nào?

Không tốn nhiều tiền để tung ra một sản phẩm nhưng sẽ rất khó để sản phẩm đó tồn tại và phát triển. X-Incubator sẽ đầu tư một khoản tiền nhỏ đủ để ra mắt sản phẩm và kêu gọi mọi người sử dụng thử sản phẩm của bạn.

Thế này thì có khác gì với các "vườn ươm" khác?

Điểm khác là startup gần như chẳng nhận một đồng nào và phải tự chủ động làm mọi thứ. Đây sẽ là sự chuẩn bị rất tốt cho một tương lai thành công.

Tại sao lại làm cái "vườn ươm" dớ dẩn này cơ chứ?

Mình nghe rất nhiều người phàn nàn là không có tiền chẳng làm gì được, hoặc có ý tưởng này hay lắm mà mãi không làm được nhưng không hiểu lý do chính xác là ở đâu. Đơn giản, X-Incubator cho bạn một chút động lực, đủ để giúp mọi người có cơ hội được nhìn thấy tận mắt chính xác ý tưởng tuyệt vời của bạn.

Uhm, nghe cũng có vẻ thú vị. Vậy mình muốn giúp có được không?

Yeah yeah, chắc chắn. X-Incubator rất hoan nghênh bất cứ ai cung cấp các nguồn lực hỗ trợ cho startup (domain, hosting, VPS, server, mentor, contact, money,... bất cứ thứ gì bạn nghĩ là có ích cho startup).

Danh sách "sponsors":
  • Ninh Nguyen - COO (Chief Cleaning Officer) Etpers (Guu.vn)
Ai muốn tham gia làm Sponsor có thể để lại comment hoặc gửi email về ninh@etpers.com

Ơ mà quên, ông là ông quái nào thế?

Oops. Mải nói quên mất. Cơ mà có quan trọng gì không nhỉ?

7 thg 6, 2012

Cảm giác thế nào khi tham gia một công ty startup?

Một trong những câu hỏi đầu tiên tôi hay hỏi các bạn khi muốn tham gia Etpers là: "Các bạn hiểu thế nào là một công ty startup? Công ty startup khác biệt như nào với một công ty đã lớn mạnh?". Thật sự cho đến giờ, chưa có mấy người trả lời các câu hỏi này khiến tôi ưng ý. Ưng ý ở đây không nhất thiết phải là một câu trả lời chính xác đến từng gạch đầu dòng định nghĩa, mà ưng ý ở sự chủ tâm tìm hiểu cặn kẽ và hiểu đúng vấn đề.


Cảm giác thế nào khi bạn tham gia gây dựng một công ty startup? Câu trả lời của Paul Dejoe trên Quora với hơn 1400 votes đã tóm gọn gần như đầy đủ các cung bậc cảm xúc của những người làm startup.

---

Cảm giác thế nào ư? Mỗi đêm bạn đều trằn trọc khó ngủ. Ngày cuối tuần chẳng còn nghĩa lý gì nữa. Các vòng đầu tư cũng chẳng giúp bạn nhẹ nhõm hơn được gì. Vì điều đó có nghĩa là, càng ngày càng có nhiều người trông cậy vào bạn mang lại lợi nhuận gấp 20 lần số tiền họ đã đầu tư. Và thật khó khăn để dứt bỏ các suy nghĩ về công ty. Ngay kể cả TV, phim ảnh hay các kỳ nghỉ lễ cũng trở nên nhàm chán, nhất là khi tương lai, vận mệnh của công ty bạn đang ở đâu đó trong Inbox hay kết quả từ một bài test A/B bạn vừa quyết định chạy thử.

Bạn cảm thấy thật tội lỗi khi làm gì đó bạn thích, ngoài công việc ra. Trải qua hàng năm trời vật lộn với cuộc chiến nội tâm, bạn mới nhận ra rằng, giữ cho cuộc sống "cân bằng" là cả một nghệ thuật. Nó quan trọng chẳng kém gì các kỹ năng bạn vốn hằng ao ước.

Bạn bắt đầu cảm thấy sáng tạo có giá trị dường nào và bạn buộc lòng phải suy nghĩ một cách khác biệt, không chỉ để thắng cuộc mà còn để nhìn ra cơ hội tốt nhất. Bạn nhận ra rằng, những ý tưởng tốt nhất nảy sinh không phải là khi bạn dán mắt vào màn hình. Những trò giải trí tiêu khiển nhẹ nhàng lành mạnh lại mang lại hiệu quả tức thì không ngờ đến.

Bạn bắt đầu thấy nể phục mấy con vịt. Quẫy đạp như điên dưới nước mà phía trên vẫn phải tìm cách nhẹ nhàng, ung dung khi mọi người ngước nhìn. Bạn thấm thía một điều rằng, nếu bạn đánh mất đi cá tính, phong thái của mình, tức là bạn thua cuộc.

Bạn luôn luôn tự hỏi liệu mình có đang thay đổi thế giới ngày một tốt đẹp hơn? Hay người ta sống có tốt hơn từ ngày biết đến bạn không?

Bạn sáng tạo và khi bạn có một ý tưởng, dường như chẳng điều gì có thể cản trở bạn, cho đến khi bạn biến được nó thành sự thật. Bạn có cảm giác này đơn giản là vì bạn không thể làm khác đi được. Bạn bắt đầu cảm nhận cụm từ "entrepreneur" gần gũi hơn. Thật khó để giải thích cho bạn bè rằng, người ta không mạo hiểm như bạn chẳng qua là vì trong đầu họ chất đầy nỗi lo sợ không dám thúc đẩy bản thân hành động hay mang tất cả những gì đang có ra để chiến đấu, dù cho thất bại luôn rình rập hàng ngày. Bạn bắt đầu biến các cuộc chuyện trò có liên quan thành câu chuyện làm thế nào có thể khai thác các cơ hội thành lợi ích nó mang lại. Những người gần gũi với bạn sẽ nhìn vào những gì bạn quan tâm theo một cách hoàn toàn khác, bởi vì họ chẳng hiểu gì cả. Bạn không trách cứ gì họ. Họ không thể hiểu nếu họ chưa từng tự mình làm điều gì đó tương tự. Đó là lý do tại sao bạn cứ đi tìm cách thuyết phục người khác trở thành Entrepreneur như bạn. Bạn cảm thấy có được phần thưởng xứng đáng khi giúp đỡ các entrepreneurs khác.

Việc của bạn là tạo ra một tầm nhìn, một văn hóa, đưa đúng người lên chiếc xe cùng bạn và truyền cảm hứng cho họ. Khi bạn nhìn đồng đội của mình tin tưởng vào tầm nhìn đó, cũng nhiều chẳng kém gì bạn, và tin tưởng bạn sẽ luôn làm đúng, nó là cảm giác không thể diễn tả nổi. Nỗ lực làm việc hơn người theo cấp số mũ luôn khiến bạn ngạc nhiên. Đó là lý do tại sao tìm đúng đồng đội là điều khó khăn nhất nhưng cũng là điều quan trọng nhất. Bài học này sẽ ảnh hưởng đáng kể đến cuộc đời bạn sau này. Bạn sẽ không còn tìm cách giữ mọi thứ bình bình nữa vì bạn biết điều gì có thể xẩy ra khi bạn kiên trì mãnh liệt chiến đấu cho những gì tốt đẹp nhất và tìm thấy những cộng sự tuyệt vời. Sẽ chẳng còn là vấn đề khi thẳng thắn với mọi người mà không sợ làm tổn thương họ.

Bạn bắt đầu nhận ra rằng bạn là một lãnh đạo và bạn phải dẫn dắt hoặc bạn không thể theo được nữa. Bạn gạt đi những lời chào mời gạ bán vì bạn cần làm chủ cuộc chơi và bạn cảm thấy các đồng đội của bạn là những người tuyệt vời nhất thế giới. Bạn có thể làm bất cứ thứ gì một cách chăm chỉ, cần mẫn. Từ bỏ không phải là một lựa chọn.

Bạn sẵn sàng ngủ lại công ty và thấy thoải mái với việc đó. Bạn có thể cười vào mọi thứ vì khi bạn nghĩ về những điều tồi tệ có thể xẩy đến với công ty mình, thực tế là nó hoàn toàn có thể sẽ xảy ra. Hãy tưởng tượng bạn làm một cái gì đó trong suốt 2 năm trời và sau đó đổ sông đổ bể cả chỉ vì một sai lầm nhỏ vào một ngày nào đó. Bạn nhận ra rằng trong khi đồng đội của bạn vui vẻ và lúc nào cũng có thể cười cợt rằng, bạn sẽ không thể chết được, thì sự thật lại ngược lại: bạn học cách trân trọng từng chặng đường đi và hướng đến tương lai trong từng việc bạn làm hàng ngày, ngay kể cả những lúc khó khăn nhất. Bạn sẽ nghe người ta nói rằng, đừng để quá tụt dốc khi mọi thứ tồi tệ và cũng đừng quá phởn chí khi mọi sự đang tốt. Và rồi, bạn thậm chí còn đi khuyên người khác những điều tương tự. Nhưng bạn sẽ không bao giờ chấp nhận sự lờ đờ, chẳng bứt lên mà cũng chẳng kém đi, vì điều này không thú vị chút nào. Ngay kể cả khi mọi thử đảo lộn hoàn toàn những gì bạn dự định thì cũng là một điều đáng để ăn mừng. Tự nhiên bạn lại cứ thích đâm đầu vào các thử thách khó nhất, chỉ tại vì, có một mối liên hệ trực tiếp giữa độ khó của công việc với cảm giác sung sướng khi làm những điều tưởng chừng không thể.

Bạn nhận ra rằng, sẽ thú vị hơn nhiều khi bạn không có tiền và tiền đôi khi lại là thứ tồi tệ, nhất là khi lấy nó làm mục tiêu cá nhân. Nếu bạn đủ may mắn để cảm thấy như vậy, đó thật sự là một cảm giác gần với sự bình yên, vì bạn nhận ra những gì bạn làm là thử thách và cũng là công việc bạn yêu quý. Tài sản của bạn là sự tự do, chủ động, trách nhiệm và sự công nhận. Những thứ này cũng sẽ là những tài sản giá trị mà những người bạn muốn chiến đấu cùng tôn trọng.

Bạn cảm thấy mình như thể những ông bố bà mẹ với khách hàng và họ sẽ không bao giờ hiểu được bạn yêu họ như thế nào, vì chính họ là minh chứng cho việc bạn không điên rồ. Bạn muôn ôm lấy tất cả bọn họ. Và họ có ý nghĩa như là cả thế giới đối với bạn.

Những gì bạn học được phần lớn là từ sự tự trải nghiệm, nhiều hơn bất cứ yếu tố bẩm sinh nào của một Entrepreneur. Bạn nhận ra rằng, bạn cần làm gì khi nhận những cú đấm tả tơi vào mặt rất rất nhiều lần. Bạn nhận ra rằng, điều bạn càng phải nỗ lực, nhất là khi chẳng có ai để ý và chẳng có ai nhìn ra. Bạn nhận ra rằng, bạn kém đủ mọi thứ, và thật may mắn nếu bạn giỏi một kỹ năng nào đó. Thứ duy nhất tuyệt vời có lẽ được là chính mình. Đó cũng là lý do tại sao bạn không bao giờ thỏa hiệp. Bạn học được quyền lực và vị thế có thể gây nghiện đến như thế nào và vì sao nó lại có thể tha hóa nhiều người đến vậy.

Bạn sẽ vô cùng biết ơn những quãng thời gian tồi tệ. Trong các ngành nghề khác rất hiếm khi thấy cảnh này. Khi điều tồi tệ xẩy đến, sẽ có những người đến giúp bạn không ngần ngại. Tal Raviv, Gary Smith, Joe Reyes, Toan Dang, Vincent Cheung, Eric Elinow, Abe Marciano và những người khác nữa. Tôi nợ họ cả đời và không gì có thể đền đáp họ được, cũng như họ chẳng mong đợi sự đền đáp của tôi.

Bạn bắt đầu nhận ra trong đời, những người may mắn nhất thế giới sẽ chỉ một lần là một phần nào đó của điều gì đó vĩ đại. Biết điều này sẽ giúp bạn hợp lý hóa sự toàn tâm của bạn.

Tóm lại, tham gia một công ty startup rất thú vị. Mỗi ngày một khác và đều thú vị cả. Ngay cả khi đó là một ngày tồi tệ cũng vẫn rất thú vị. Biết được rằng, các quyết định của bạn không chỉ tác động đến bạn mà còn rất nhiều người khác nữa sẽ là một gánh nặng bạn sẵn sàng chịu đựng hàng ngày, còn hơn là không làm chủ được tương lai vận mệnh của mình. Đó là lý do tại sao tôi không thể làm gì khác.

---

Nếu muốn trải nghiệm tất cả những điều trên, hãy tham gia Etpers http://jobs.etpers.com hoặc email ninh@etpers.com

PS: Lược dịch nhanh, có thể có rất nhiều lỗi, nhưng hy vọng những ý chính vẫn truyền tải được.

26 thg 5, 2012

Văn hóa làm nên thành công của Facebook: Triết lý 5 điểm "The Hacker Way"

Nhân viên Facebook làm việc với một triết lý 5 điểm được gọi là "the Hacker Way,". 5 giá trị cốt lõi này đã được Mark Zuckerberg giải thích trong thư gửi các nhà đầu tư trước khi Facebook lên sàn chứng khoán. Bức thư lý giải phần nào văn hóa và cách thức điều hành của Facebook giúp thúc đẩy nhân viên không ngừng sáng tạo, đổi mới ngay kể cả khi các thành viên không cảm thấy thoải mái với sự thay đổi.
Thuật ngữ "hacker" thường được nhắc đến với hàm ý tiêu cực một cách thiếu công bằng trên các phương tiện truyền thông mô tả những người phá phách, xâm nhập máy tính. Thực tế thì hacking chỉ có nghĩa đơn giản là xây dựng một cái gì đó thật nhanh hoặc thử thách các rào cản xem cái gì có thể làm được tốt hơn. Cũng như nhiều việc khác, hacking có thể tốt hoặc xấu, nhưng phần lớn các hackers tôi gặp đều là những người muốn mọi thứ hoàn hảo và có ảnh hưởng tích cực lên người khác. Các hackers tin rằng mọi thứ đều có thể tốt hơn và không có gì là hoàn chỉnh. Họ chỉ đơn giản là lao vào "fix it". Các hackers cố gắng tạo ra hệ thống tốt nhất bằng cách nhanh chóng "release" và học hỏi từ những thay đổi nhỏ được làm đi làm lại nhiều lần thay vì cố gắng làm đúng ngay lần đầu tiên... Tại Facebook, dòng chữ "Done is better than perfect"được viết lên khắp các bức tường nhắc nhở tất cả nhân viên hãy liên tục đưa ra các kết quả. Hacking vốn luôn phải trực tiếp nhúng tay và theo xu hướng tích cực. Thay vì tranh cãi ngày này qua ngày khác rằng ý tưởng này khả thi hay không hay cách làm này có tốt hay không, các hackers đơn giản là làm luôn và xem nó chạy thế nào. Tại Facebook, có một câu "thần chú" được nhắc đến thường xuyên: "Code win arguments" (Code thắng mọi lý lẽ). -- Trích thư của Mark Zuckerberg gửi nhà đầu tư
Sau đây là 5 giá trị cốt lõi trong triết lý:

Tập trung vào sức ảnh hưởng

Nếu muốn có kết quả tốt nhất, không có cách nào khác là phải thật tập trung giải quyết vấn đề quan trọng nhất. Nghe thì có vẻ đơn giản nhưng phần lớn các công ty làm điều này rất dở và lãng phí rất nhiều thời gian.
Ngày 5/9/2004, Mark Zuckerberg đang tập trung code để cho ra tính năng Wall Post.

Hành động thật nhanh

Chỉ có làm nhanh mới ra kết quả nhanh và rút ra bài học nhanh. Mọi lý lẽ, bàn bạc, phân tích đa phần chỉ dựa trên các giả định và suy nghĩ chủ quan, chỉ có kết quả thực sự mới là câu trả lời rõ ràng nhất. Không cần phải nói nhiều, hãy chứng minh bằng hành động. Phần lớn các công ty khi lớn mạnh đều bắt đầu chậm lại vì họ sợ sai lầm hơn là nắm lấy cơ hội. Tại Facebook, khẩu hiểu được nhắc đến nhiều nhất có lẽ là "Move fast and break things", đơn giản có ý là, nếu không làm hỏng cái gì đó chắc hẳn là bạn chưa làm đủ nhanh.

Mạnh dạn và liều lĩnh

Muốn làm điều gì đó vĩ đại đồng nghĩa với việc mạo hiểm. Điều này nghe có vẻ rất đáng sợ và khiến không ít công ty trùn chân trước những cơ hội đáng ra họ nên nắm lấy. Tuy nhiên, dù sao thì trong một thế giới đang thay đổi rất nhanh, chắc chắn 100% bạn sẽ thất bại nếu bạn không dám mạo hiểm một chút nào cả. Tại Facebook mọi người thường nói "Mạo hiểm nhất là chẳng mạo hiểm gì cả". Facebook khuyến khích mọi người ra những quyết định táo bạo ngay kể cả việc đó đôi khi cũng mang lại những kết quả sai lầm.

Các khẩu hiệu được dán khắp nơi tại trụ sở Facebook

Cởi mở và chia sẻ

Tại Facebook, mọi người tin rằng một thế giới cởi mở hơn là một thế giới tốt đẹp hơn vì mọi người với nhiều thông tin hữu ích hơn có thể có những quyết định tốt hơn và mang lại sức ảnh hưởng lớn hơn. Điều này cũng đúng ở quy mô startup hay công ty. Việc chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, tiếp cận thông tin mới giúp tất cả mọi người có thể làm việc tốt hơn và mang lại kết quả nhiều hơn.

Tạo ra giá trị

Facebook tồn tại là để thế giới cởi mở và kết nối tốt hơn, không phải đơn giản chỉ là để dựng lên một công ty. Tất cả mọi người ở Facebook hàng ngày đều dành sự tập trung lớn nhất vào việc tạo ra các giá trị thật sự cho xã hội. Một sản phẩm không mang lại giá trị gì cho người dùng thật khó lòng tồn tại.

-----

Join us to experience "the hacker way" http://jobs.etpers.com


31 thg 7, 2011

Etpers: Một năm tròn từ ngày khởi sự

Cách đây 1 năm 2 tháng, lần đầu tiên mình ngỏ lời trên blog này về việc tìm đồng chí, đồng đội cùng làm startup. Tại thời điểm đó mình không có gì trong tay cả. Thứ duy nhất mang đi "thương thuyết" đó là một niềm tin, một động lực rằng có một vấn đề rất xứng đáng bỏ công ra giải quyết và nếu giải quyết được nó sẽ có ý nghĩa như thế nào với mọi người. Được bạn bè ủng hộ và giúp đỡ, thông tin này lan truyền nhanh chóng và giúp mình có cơ hội được gặp gỡ, nói chuyện với rất nhiều người. Trong vòng 2 tháng, tổng cộng số người liên lạc lên đến gần 100 nhưng chỉ đến phút chót, với một chút may mắn, mình mới gặp được những chiến hữu thật sự.
  • Đó là những người thấy vấn đề đưa ra cũng là vấn đề của mình.
  • Đó là những người thấy công sức bỏ ra để giải quyết vấn đề thật xứng đáng và ý nghĩa.
  • Đó là những người gật đầu ngay trong vòng 5-10 phút mà không cần biết tóm lại thật sự thì thằng dở hơi này nó đang định làm cái gì.
Có những con người như thế, người ta gọi là đồng chí, đồng đội, anh em,...

Một năm chiến đấu


Ngày mai là tròn 1 năm cả nhóm khởi sự. Mình vẫn nhớ như in hôm đó, ngày 1/8/2010, cả team cố gắng sửa soạn bàn ghế, phòng ốc tươm tất, mời các anh chị đi trước như anh Đông Moore, anh Tuấn Báo Mới, anh Minh VCCorp,... đến để chia sẻ những kinh nghiệm của mình. Những khó khăn, những vui buồn,... được các anh chia sẻ rất nhiệt tình khiến cho cả nhóm càng thêm phấn khích, chỉ muốn bắt tay vào việc ngay. Kế hoạch đề ra rất kinh khủng với dự định 3 tháng ra phiên bản web và 3 tháng tiếp sẽ hoàn chỉnh bản web và ra bản mobile. Tuy nhiên đời không như là mơ. Khi bắt tay thật sự vào làm, cả nhóm mới bắt đầu nghĩ xem giải quyết vấn đề đặt ra như thế nào? Con đường từ câu hỏi Why (tại sao tôi lại làm những việc này) sang How (làm thế nào bây giờ) không hề đơn giản.


Tính đến thời điểm hiện tại, cả nhóm đã xây dựng 9 phiên bản khác nhau gần như hoàn toàn cả về giao diện lẫn về cách tiếp cận vấn đề và xử lý vấn đề. Có lúc cao điểm, chưa đầy tháng đã đập đi làm lại đến 2 lần, giao diện vừa làm ban sáng, đêm đã phá đi. Chỉ đến tầm 3 tháng đổ lại đây, từ tháng 4/2011, tình hình mới tương đối ổn định, khi cái How này có vẻ là cái How đúng đắn. How số 9 là cái How đúc kết của 8 lần đập đi làm lại không ngừng nghỉ để đúc rút kinh nghiệm và rút ra những bài học quý báu. Đến tận bản demo số 9 này, cả nhóm mới bắt đầu nghĩ đến chuyện đặt tên cho sản phẩm (thật sự đây là 1 việc hết sức đau đầu và khổ sở nên cả nhóm cứ kệ đấy cho đến khi không thể đợi được nữa). Và cái tên Etpers ra đời. Rất nhiều bạn thắc mắc về cái tên này, mình xin trả lời luôn, nó bắt nguồn từ 1 cụm từ tiếng Latin: "Et per se" và để hiểu hơn ý nghĩa của cụm từ này, xin hãy đọc Wikipedia mục &.


Rồi đến tháng 6/2011, Etpers có thêm một luồng sinh khí mới đó là thành viên nữ đầu tiên gia nhập nhóm, đảm nhận trọng trách lớn lao, kiêm nhiệm nhiều vị trí PR/Marketing/Brand Manager. Điều thú vị là chẳng có vị trí nào là chuyên ngành của đồng chí nữ này cả. Nhìn lại bức email gửi mới ngày nào...
Hôm trước anh hỏi em có yêu cầu gì về quyền lợi không. Thì hôm nay em đưa ra câu trả lời cuối cùng luôn là không. Thứ nhất là: em không đi “trồng cây thuê”, em làm vì thích thôi. Thứ 2 là: chưa biết việc em làm có giúp gì được không, nhưng người có lợi đầu tiên là em. Thế nên là câu trả lời nhất quyết là không gì cả.
Chẳng biết có lợi gì không mà bữa trước vừa thấy em "than thở", 1 tháng làm việc những gì rút ra còn hơn cả năm học đại học. Hy vọng là Etpers vẫn sẽ mang lại những điều tốt đẹp cho cả nhóm, có thể không/chưa phải là vật chất, danh vọng mà là những giá trị khác khó có thể đo đếm hết.


Ngày 24/7 vừa qua, tại Barcamp Saigon, lần đầu tiên Etpers được mang ra công chúng. Dù chưa thể demo hoàn chỉnh được các tính năng kỹ thuật nhưng cả nhóm đã rất cố gắng để truyền tải và toát lên được vấn đề cũng như cách giải quyết của Etpers. Sau buổi demo, cả nhóm đã nhận được những phản hồi rất tích cực. Âu đó cũng là một tín hiệu tốt rằng Etpers đang đi đúng hướng, những gì cả nhóm phấn đấu đã được hối đáp.

Những bài học


Mình vẫn hay nói với mọi người rằng, thành công lớn nhất cho đến thời điểm hiện tại không phải là những gì cả nhóm đã làm được mà là anh em vẫn còn vững niềm tin và ý chí chiến đấu mãnh liệt bất chấp những khó khăn và áp lực xung quanh. Không như một công ty lớn đã thành hình, người ta rằng buộc nhau bằng vị trí, lương thưởng, kỷ luật, nội quy,... trong 1 startup giai đoạn mới hình thành như Etpers không có những thứ như vậy, chỉ có duy nhất 1 thứ rằng buộc đó là niềm tin:
  • Niềm tin vào những gì cả nhóm đang làm và phấn đấu.
  • Niềm tin vào anh em, đồng chí, đồng đội.
Chính những niềm tin này là thứ gắn kết mọi người trong nhóm với nhau và cùng nhau vượt qua những khó khăn vất vả trong quá trình làm việc.


Nếu nhìn vào đồ thị cảm xúc của những người làm startup thì có lẽ nó sẽ tương tự thế này (có điều nó không đều tăm tắp như thế kia). Cái hay khi có anh em, đồng chí, đồng đội bên cạnh đó là khi có người này Down, có người khác lại Up và cứ thế tương trợ nhau kéo nhau cùng đi lên. Nếu chỉ có một mình có lẽ sẽ down rất thảm, nhưng làm sao có thể down được khi trước mặt mình anh em đang chiến đấu hăng say với niềm tin rạng ngời trên khuôn mặt.


Điều này thể hiển rất rõ trong chuyến đi leo Fansipan giữa cơn bão số 2 vừa rồi của cả nhóm. Nếu gọi đây là 1 buổi team building cũng đúng, khi mà mọi điều kiện thời tiết, địa hình, sức khỏe đều là rào cản thách thức thì sự nỗ lực cá nhân kết hợp với tinh thần đồng đội đã mang cả nhóm lên đỉnh núi bất chấp mưa gió, cây đổ, nước suối chảy siết và đường xá bùn lầy. Cảm giác chinh phục và vượt qua chính mình, sát cánh cùng anh em thật sự là rất đáng giá.


Tuy vậy, startup chưa bao giờ là một việc dễ cả, nhất là ở Việt Nam. Đặc biệt là với Etpers, một sản phẩm chưa có sản phẩm tương tự trên thị trường với tham vọng global chứ không phải chỉ dành cho thị trường Việt Nam, vấn đề đã khó lại càng khó hơn. Tuy nhiên, bằng tinh thần cầu thị, học hỏi, Etpers cũng dần dần xây dựng được văn hóa và phong cách riêng, rút tỉa từ những giá trị được thừa nhận trong văn hóa startup của Mỹ, từ Lean Startup đến Break things & Move fast của Facebook, từ Think different của Apple đến Hacker mindset của Google. Môi trường và phong cách làm việc của Etpers sẽ còn cần cải tiến thêm rất nhiều, tuy nhiên dù cải tiến thế nào, nó cũng phục vụ một mục đích duy nhất là tạo điều kiện tích lũy kiến thức, học hỏi, tự tay làm thử và đột phá để xây dựng nên những sản phẩm càng ngày càng tốt hơn, mang lại giá trị nhiều hơn cho người sử dụng.


Và cuối cùng, điều thú vị sau chuyến đi Barcamp Saigon của cả nhóm về, đó là lời nhận xét của một bạn gái về team Etpers (Team Etpers đã có 4 bài trình bày tại Barcamp Saigon trong đó có 2 bài về việc hỗ trợ Startup ở Việt Nam, 1 bài về Etpers và 1 bài về bệnh Ung thư). Đại khái bạn gái nói rằng, sau khi nghe team Etpers trình bày, có cảm giác những vấn đề cả nhóm hướng đến giải quyết và cách tiếp cận có gì đó rất "nhân văn". Thật sự thì đây là một lời động viên và ngợi khen tuyệt vời dành cho cả nhóm. Nhìn lại đúng thật những gì Etpers giải quyết, những băn khoăn cả nhóm chia sẻ,... đều là những vấn đề hết sức "con người". Và đây chắc chắn là giá trị cốt lõi Etpers sẽ theo đuổi.

Một năm trôi qua, Etpers team xin chân thành cảm ơn gia đình, những người bạn luôn sát cánh và ủng hộ nhóm. Dù công việc vẫn còn ngổn ngang bề bộn, nhưng hy vọng trong thời gian tới, Etpers sẽ chính thức được ra mắt và gặt hái được những thành công nhất định.

PS: Nếu bạn thật sự đọc được đến tận dòng cuối cùng này, chắc hẳn bạn cũng rất quan tâm đến Etpers. Để tăng tốc cho việc ra mắt sản phẩm trong thời gian tới, Etpers đang cần tìm thêm những đồng chí, đồng đội cho những vị trí sau:
  • Web Designer: Sử dụng thành thạo các công cụ thiết kế, chú trọng, tỉ mỉ và tinh tế đến từng pixel, đường nét, màu sắc, kiểu chữ.
  • Front-end Developer: Thành thạo HTML/CSS & Jquery. Có hiểu biết về HTML5 và viết tốt Javascript là lợi thế.
  • Web Developer: Kiến thức lập trình, thuật toán tốt, tinh thần tối ưu, cải tiến không ngừng nghỉ, ngôn ngữ sử dụng là Python, quen thuộc với Django Framework, MySQL, Memcached.
  • System Engineer: Cẩn thận, chắc chắn, tinh thần tối ưu, hiểu sâu hệ thống, thành thạo Linux, MySQL, Memcached, Git, có kinh nghiệm xử lý các hệ thống lớn, real time, chịu tải cao là lợi thế, đặc biệt là có kinh nghiệm về Node.JS
Nếu Web Designer và Frontend Developer là một người thì càng tuyệt vời. Về tiêu chí, vẫn như vậy, vẫn như những gì mình đã chia sẻ cách đây hơn 1 năm về việc tìm chiến hữu. Rất mong có thể cùng kề vai sát cánh chiến đấu với bạn, nhất định bạn sẽ không phải hối hận. Hãy liên lạc với mình bằng cách comment ngay tại bài viết này hoặc qua email ninh@etpers.com hoặc Skype: ninhnv.

25 thg 6, 2010

Tại sao lại nên tham gia startup càng sớm càng tốt?

Sau một thời gian "cầu hiền", dù công việc chưa suôn sẻ như dự định nhưng cũng đã thu được một số kết quả khiêm tốn. Mình cảm giác có một số thắc mắc chung của hầu hết mọi người khi đọc các bài viết của mình:
  • Startup là cái quái gì mà tại sao tôi lại nên tham gia? 
  • Tại sao tôi lại phải từ bỏ một mức lương khá khẩm ở một công ty lớn để đâm đầu vào một công ty vô danh mới ra đời với mức lương khiêm tốn?
  • Làm ở một startup liệu có tương lai không?
  • Làm việc ở một startup thì có gì hay mà xứng đáng để tôi dốc hêt tâm sức ra làm việc?
  • ...
Trên đây có lẽ là một vài câu hỏi phổ biến nảy ra trong đầu bạn khi đứng trước lời mời tham gia một startup. Mình hy vọng trong một vài bài viết sắp tới có thể giải đáp phần nào những khúc mắc kiểu như thế này.

Đầu tiên, mình muốn nói, nếu bạn muốn tự mình làm một cái gì đó (hoành tráng, tốt đẹp, có ích,...bất cứ tính từ nào bạn có thể nghĩ được), thì mình khẳng định, không đâu bằng việc tham gia một startup cùng chung chí hướng với bạn hoặc tự mở một startup cho riêng mình.

Vậy tại sao lại nên start up sớm hoặc tham gia một startup sớm (ngay trên ghế nhà trường, sau khi tốt nghiệp hoặc khoảng tầm thời gian xung quanh ngưỡng đó)?

Paul Graham trong một bài nói tại MIT năm 2006 có đưa ra các điểm lợi thế cho việc start up sớm (ngay từ trên ghế nhà trường hoặc sau khi tốt nghiệp) như sau (nghe có vẻ rất ngược đời): tuổi trẻ nông nổi, nghèo túng, không "an cư", quan hệ và thiếu hiểu biết.

Nghe có vẻ toàn điểm yếu của một sinh viên mới ra trường. Vậy tại sao lại nói đây là những điểm mạnh?
  • Tuổi trẻ nông nổi: Tuổi trẻ cho bạn sức khỏe, thể trạng tốt, dẻo dai để chống chịu với cường độ làm việc cao, sẵn sàng nỗ lực hết mình thâu đêm suốt sáng, đơn giản chỉ để giải quyết những vấn đề bạn cho là quan trọng và đi theo đam mê của mình (dù đôi khi nó có thể sai toét). Nhưng ngay cả khi thất bại, công việc không như ý, tuổi trẻ cũng giúp bạn hồi phục nhanh và sẵn sàng làm lại từ đầu nếu cần.
  • Nghèo túng: Sự giới hạn về tài chính buộc bạn phải có những sáng tạo trong công việc. Chính bằng việc sống và làm việc kham khổ cũng giúp bạn đứng dậy sau thất bại dễ dàng hơn, ngay cả khi chỉ còn hai bàn tay trắng. Đây có thể là động lực lớn để ra đời những cải tiến quan trọng (máy chủ giá rẻ, data center kiểu module của Google là một ví dụ điển hình) mà khi bạn dư giả khó lòng có thể để ý tới.
  • Không "an cư": Các cụ có câu "an cư lạc nghiệp". Nhưng có thật không "an cư" là một bất lợi? Các sinh viên từ khắp nơi đổ về các thành phố lớn học đại học đã quá quen với cuộc sống độc thân, tự lập. Sự năng động, chịu khó di chuyển, không bị rằng buộc về địa lý, sẵn sàng khám phá các miền đất mới, thích nghi với đủ mọi thể loại môi trường, không bao giờ chịu chôn chân một chỗ là một lợi thế lớn cần được tận dụng trước khi các bạn quyết định "an cư". Khi "an cư" các bạn sẽ thấy có nhiều thứ rằng buộc khiến bạn không thể quyết định dễ dàng và thoải mái như trước được.
  • Quan hệ: Nhiều người nghĩ chưa đi làm chưa có các mối quan hệ tốt. Nhưng các bạn quên mất rằng khi còn trên ghế giảng đường hoặc ít nhất ngay sau khi tốt nghiệp, chính những người bạn xung quanh là những người tốt nhất để cùng làm việc. Các bạn biết họ từ lâu, qua 4-5 năm trời cùng học tập, hiểu rõ tính tình, điểm mạnh điểm yếu mỗi người. Các bạn chưa có gì nhiều để mất nhưng lại có rất nhiều thứ để làm và cơ hội thì luôn luôn có (không phải ngẫu nhiên rất nhiều công ty thành công đi lên từ trường học và từ những người bạn học với nhau, ví dụ như Yahoo, Google, Facebook hay Microsoft). Điều đó trái ngược hẳn với việc sau này đi làm, các mối quan hệ thuần túy công việc, kinh doanh, đối tác luôn có khoảng cách nhất định. Đôi khi bạn sẽ ước có thể quay lại quãng đời phổ thông hay sinh viên chỉ để tìm những người bạn đích thực.
  • Thiếu hiểu biết: không đủ kiến thức có thể gây ra cảm giác tự ti và không sẵn sàng nhưng đó cũng là động lực tuyệt vời để phấn đấu. Con người luôn khao khát tìm hiểu nhiều hơn nữa những gì mình đam mê. Ý thức được việc còn nhiều lỗ hổng buộc bạn phải nỗ lực hết mình, trưởng thành từ kinh nghiệm thực tế, sẵn sàng thử sai và rút ra bài học từ thất bại. Ngược lại cảm giác "đủ" kiến thức, cảm giác biết "đủ", hiểu "đủ" là một thứ ảo giác vừa khiến bạn mất đi động lực tìm tòi vừa khiến bạn bị rằng buộc vào những thứ bạn cho là đã hiểu "đủ". Mà thế nào mới gọi là "đủ"? Stay hungry, stay foolish!
Chính những điểm tưởng chừng như bất lợi của một sinh viên mới ra trường lại là những điểm mạnh nếu biết tận dụng. Những điểm mạnh này đặc biệt phù hợp với startup và rất tuyệt vời nếu được sử dụng đúng chỗ. Điều đáng tiếc là sinh viên Việt Nam, đôi khi, hơi thiếu một chút định hướng nghề nghiệp rõ ràng (mình không dám vơ đũa cả nắm) và thông thường sau khi tốt nghiệp rất hoang mang và mất phương hướng. Việc chọn lựa công việc dựa trên tiêu chí và tầm nhìn ngắn hạn, không dựa trên đam mê thật sự có hại nhiều hơn là lợi. Có rất nhiều câu hỏi nảy ra trong đầu khi đứng trước những khó khăn như thế này. Tuy nhiên, trong một bài viêt về chặng đường startup của mình, Paul Bucheit (Cựu nhân viên Google, người khai sinh ra GMail và tôn chỉ của Google: "Don't be evil") có viết:
Bạn không cần phải tìm ra câu trả lời ngay lập tức, điều quan trọng là bạn luôn tiến lên phía trước. Tìm kiếm những cơ hội và thử làm cái gì đó mới mẻ, cái gì đó chưa có kết quả rõ ràng. Nếu bạn hứng thú với các startups, đừng chỉ ngồi một chỗ và chờ đợi cơ hội hoàn hảo, hay đi tìm một startup nào đó thú vị và nhận một công việc ở đó. Startup đó có thể thất bại nhưng bạn sẽ thành công vì bạn có thể học được nhiều hơn bạn nghĩ.
Paul cũng đã lý giải việc quyết định từ bỏ Google và làm FriendFeed là khi Paul cảm thấy cuộc sống ở Google quá bình thường và dễ đoán. Một cuộc sống dập khuôn, gò bó chắc chắn không phải là một cuộc sống thú vị, cũng như những chuyến đi không kế hoạch chắc chắn luôn chứa đựng những bất ngờ, và điều quan trọng, bạn chính là người tự tay khám phá chúng.

Như thường lệ, đến phần tuyển dụng. Hiện tại các điều kiện tài chính, cơ sở vật chất đã tương đối sẵn sàng. Mình vẫn cần thêm các vị trí kỹ thuật:
  • Địa điểm: Hà Nội
  • Thời gian làm việc: toàn thời gian
  • Yêu cầu cơ bản: thành thạo
    • Một trong hai ngôn ngữ lập trình: Java hoặc PHP (C/C++ hoặc Python cũng rất được hoan nghênh)
    • MySQL database.
  • Tuyệt vời hơn nếu có kinh nghiệm với:
  • Mức lương: thỏa thuận theo năng lực.
Nếu bạn nào cảm thấy hứng thú có thể để lại lời nhắn ngay tại bài viết này hoặc liên lạc qua một trong những kênh sau:
  • Email: ninh.nv [at] gmail [dot] com
  • Gtalk: ninh.nv [at] gmail [dot] com
  • Skype: ninhnv
Những trao đổi và ý kiến phản hồi của các bạn luôn được đón nhận.

PS: Cập nhật tình hình set up nơi làm việc (chiến đấu) của anh em. Có tấm hình demo tạm, nôm na nó là như vậy (nhân vật trong hình không phải mình):

31 thg 5, 2010

Cần tìm "chuyên gia" công nghệ cùng tham gia Startup

Trong bài trước mình có đề cập đến việc startup mình và đồng đội đang tiến hành cần "Tech Men" (tạm gọi là các "chuyên gia" công nghệ). Tất nhiên, "chuyên gia" cũng có nhiều kiểu chuyên gia và có nhiều chuyên gia ở các lĩnh vực khác nhau. Từ bài viết lần trước, có rât nhiều bạn liên lạc nhưng rất tiếc lại không có cùng "khẩu vị" về công nghệ nên chưa có cơ hội hợp tác ngay lúc này. Vì vậy, để cho rõ ràng, mình sẽ viết ra một số keywords để các bạn đã, đang và sẽ có ý định tham gia startup cùng mình tham khảo. Mình rất hy vọng có thể tìm được những đồng đội cùng chí hướng và đam mê tham gia dự án này.
Hiện tại mình đang set up nơi làm việc cho cả đội, hy vọng 1, 2 ngày nữa sẽ có ảnh (dù tất nhiên, chính các bạn, những đồng đội của mình trong tương lai mới là người hoàn thiện môi trường làm việc này).

23 thg 5, 2010

Tìm đồng chí/đồng đội cho startup

Hiện mình và một số anh em đang tiến hành "start a startup". "Startup" là gì? Nôm na "một startup là một công ty mới được thành lập, đang trong giai đoạn đầu phát triển". Thuật ngữ "startup" trở nên phổ biến sau thời kỳ bong bóng dot-com và gần như gắn liền với các công ty công nghệ cao (high-tech startup company). Yep, và tất nhiên, startup mình và các anh em đang tiến hành cũng không ngoại lệ, đó là một high-tech startup company!

Startup mình và anh em lập ra nhằm giải quyết một vấn đề hết sức cơ bản và gắn liền với cuộc sống con người: "quá tải và cân bằng thông tin". Đây là một vấn đề muôn thuở nhưng động lực đằng sau của việc giải quyết vấn đề này, ngoài việc mang lại những giá trị tốt nhất cho con người, nó còn mang nhiều yếu tố nhân văn. Dù ý tưởng được đề ra dựa trên tầm nhìn dài hạn và phân tích thời cơ chín muồi, dự án vẫn đang thiếu một yếu tố cơ bản: con người.

Nói như Paul Graham (founder của quỹ đầu tư mạo hiểm Y Combinator) trong bài essay: "How to start a startup?":
What matters is not ideas, but the people who have them. Good people can fix bad ideas, but good ideas can't save bad people.
Ý tưởng tốt cần những người xuất sắc thực hiện nó. Mình rất mong có thể làm việc được với những người cùng chung chí hướng và sẵn sàng chiến đấu hết mình vì đam mê. "Chung chí hướng" và "Đam mê hết mình" là 2 yếu tố quan trọng nhất của những người mình muốn hợp tác và thật sự mình không cần gì hơn ngoài 2 điều đó. Còn cụ thể hiện nay, dự án đang sẵn sàng đón nhận những "tech men" (những người làm kỹ thuật). Với những người làm kỹ thuật, theo mình cần có 2 tố chất:

  • Hacker mindset (Ý thức của Hacker): Hacker ở đây không phải mang nghĩa xấu hay theo cách hiểu thông thường giới truyền thông vẫn tô vẽ. Ý thức của một hacker ở đây là sự tìm tòi, khám phá tìm ra bản chất vấn đề, sẵn sàng phá vỡ những nguyên tắc, không theo lối mòn, làm cho mọi thứ hoạt động tốt hơn, hiệu quả hơn bằng việc chỉnh sửa, cải tiến liên tục.
  • Entrepreneurial spirit (Tinh thần của Entrepreneur): Nói nôm na, entrepreneurs chính là những người làm việc trong một startup company, những người mạo hiểm tìm lối ra và hiện thực hóa những ý tưởng. Vậy tinh thân của một entrepreneur là như thế nào? Nó là sự dấn thân vì đam mê và niềm tin vào ý tưởng cũng như những giá trị cốt lõi.
Làm việc trong một startup vừa là thách thức vừa là cơ hội. Chắc chắn dự án sẽ mang lại những trải nghiệm đáng nhớ cho bất cứ ai, dù là một sinh viên mới ra trường hay những người đã có kinh nghiệm. Mình rất mong có thể tìm được những đồng chí/đồng đội cùng chung chiến hào, chiến đấu vì một mục đích chung.

You know, entrepreneurs can change the world and that's also what we aim for!



Nếu bạn nào cảm thấy hứng thú có thể để lại lời nhắn ngay tại bài viết này hoặc liên lạc qua một trong những kênh sau:
  • Email: ninh.nv [at] gmail [dot] com
  • Gtalk: ninh.nv [at] gmail [dot] com
  • Skype: ninhnv
Những trao đổi và ý kiến phản hồi của các bạn luôn được đón nhận.
Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...