Bài Viết

25 thg 6, 2010

Tại sao lại nên tham gia startup càng sớm càng tốt?

Sau một thời gian "cầu hiền", dù công việc chưa suôn sẻ như dự định nhưng cũng đã thu được một số kết quả khiêm tốn. Mình cảm giác có một số thắc mắc chung của hầu hết mọi người khi đọc các bài viết của mình:
  • Startup là cái quái gì mà tại sao tôi lại nên tham gia? 
  • Tại sao tôi lại phải từ bỏ một mức lương khá khẩm ở một công ty lớn để đâm đầu vào một công ty vô danh mới ra đời với mức lương khiêm tốn?
  • Làm ở một startup liệu có tương lai không?
  • Làm việc ở một startup thì có gì hay mà xứng đáng để tôi dốc hêt tâm sức ra làm việc?
  • ...
Trên đây có lẽ là một vài câu hỏi phổ biến nảy ra trong đầu bạn khi đứng trước lời mời tham gia một startup. Mình hy vọng trong một vài bài viết sắp tới có thể giải đáp phần nào những khúc mắc kiểu như thế này.

Đầu tiên, mình muốn nói, nếu bạn muốn tự mình làm một cái gì đó (hoành tráng, tốt đẹp, có ích,...bất cứ tính từ nào bạn có thể nghĩ được), thì mình khẳng định, không đâu bằng việc tham gia một startup cùng chung chí hướng với bạn hoặc tự mở một startup cho riêng mình.

Vậy tại sao lại nên start up sớm hoặc tham gia một startup sớm (ngay trên ghế nhà trường, sau khi tốt nghiệp hoặc khoảng tầm thời gian xung quanh ngưỡng đó)?

Paul Graham trong một bài nói tại MIT năm 2006 có đưa ra các điểm lợi thế cho việc start up sớm (ngay từ trên ghế nhà trường hoặc sau khi tốt nghiệp) như sau (nghe có vẻ rất ngược đời): tuổi trẻ nông nổi, nghèo túng, không "an cư", quan hệ và thiếu hiểu biết.

Nghe có vẻ toàn điểm yếu của một sinh viên mới ra trường. Vậy tại sao lại nói đây là những điểm mạnh?
  • Tuổi trẻ nông nổi: Tuổi trẻ cho bạn sức khỏe, thể trạng tốt, dẻo dai để chống chịu với cường độ làm việc cao, sẵn sàng nỗ lực hết mình thâu đêm suốt sáng, đơn giản chỉ để giải quyết những vấn đề bạn cho là quan trọng và đi theo đam mê của mình (dù đôi khi nó có thể sai toét). Nhưng ngay cả khi thất bại, công việc không như ý, tuổi trẻ cũng giúp bạn hồi phục nhanh và sẵn sàng làm lại từ đầu nếu cần.
  • Nghèo túng: Sự giới hạn về tài chính buộc bạn phải có những sáng tạo trong công việc. Chính bằng việc sống và làm việc kham khổ cũng giúp bạn đứng dậy sau thất bại dễ dàng hơn, ngay cả khi chỉ còn hai bàn tay trắng. Đây có thể là động lực lớn để ra đời những cải tiến quan trọng (máy chủ giá rẻ, data center kiểu module của Google là một ví dụ điển hình) mà khi bạn dư giả khó lòng có thể để ý tới.
  • Không "an cư": Các cụ có câu "an cư lạc nghiệp". Nhưng có thật không "an cư" là một bất lợi? Các sinh viên từ khắp nơi đổ về các thành phố lớn học đại học đã quá quen với cuộc sống độc thân, tự lập. Sự năng động, chịu khó di chuyển, không bị rằng buộc về địa lý, sẵn sàng khám phá các miền đất mới, thích nghi với đủ mọi thể loại môi trường, không bao giờ chịu chôn chân một chỗ là một lợi thế lớn cần được tận dụng trước khi các bạn quyết định "an cư". Khi "an cư" các bạn sẽ thấy có nhiều thứ rằng buộc khiến bạn không thể quyết định dễ dàng và thoải mái như trước được.
  • Quan hệ: Nhiều người nghĩ chưa đi làm chưa có các mối quan hệ tốt. Nhưng các bạn quên mất rằng khi còn trên ghế giảng đường hoặc ít nhất ngay sau khi tốt nghiệp, chính những người bạn xung quanh là những người tốt nhất để cùng làm việc. Các bạn biết họ từ lâu, qua 4-5 năm trời cùng học tập, hiểu rõ tính tình, điểm mạnh điểm yếu mỗi người. Các bạn chưa có gì nhiều để mất nhưng lại có rất nhiều thứ để làm và cơ hội thì luôn luôn có (không phải ngẫu nhiên rất nhiều công ty thành công đi lên từ trường học và từ những người bạn học với nhau, ví dụ như Yahoo, Google, Facebook hay Microsoft). Điều đó trái ngược hẳn với việc sau này đi làm, các mối quan hệ thuần túy công việc, kinh doanh, đối tác luôn có khoảng cách nhất định. Đôi khi bạn sẽ ước có thể quay lại quãng đời phổ thông hay sinh viên chỉ để tìm những người bạn đích thực.
  • Thiếu hiểu biết: không đủ kiến thức có thể gây ra cảm giác tự ti và không sẵn sàng nhưng đó cũng là động lực tuyệt vời để phấn đấu. Con người luôn khao khát tìm hiểu nhiều hơn nữa những gì mình đam mê. Ý thức được việc còn nhiều lỗ hổng buộc bạn phải nỗ lực hết mình, trưởng thành từ kinh nghiệm thực tế, sẵn sàng thử sai và rút ra bài học từ thất bại. Ngược lại cảm giác "đủ" kiến thức, cảm giác biết "đủ", hiểu "đủ" là một thứ ảo giác vừa khiến bạn mất đi động lực tìm tòi vừa khiến bạn bị rằng buộc vào những thứ bạn cho là đã hiểu "đủ". Mà thế nào mới gọi là "đủ"? Stay hungry, stay foolish!
Chính những điểm tưởng chừng như bất lợi của một sinh viên mới ra trường lại là những điểm mạnh nếu biết tận dụng. Những điểm mạnh này đặc biệt phù hợp với startup và rất tuyệt vời nếu được sử dụng đúng chỗ. Điều đáng tiếc là sinh viên Việt Nam, đôi khi, hơi thiếu một chút định hướng nghề nghiệp rõ ràng (mình không dám vơ đũa cả nắm) và thông thường sau khi tốt nghiệp rất hoang mang và mất phương hướng. Việc chọn lựa công việc dựa trên tiêu chí và tầm nhìn ngắn hạn, không dựa trên đam mê thật sự có hại nhiều hơn là lợi. Có rất nhiều câu hỏi nảy ra trong đầu khi đứng trước những khó khăn như thế này. Tuy nhiên, trong một bài viêt về chặng đường startup của mình, Paul Bucheit (Cựu nhân viên Google, người khai sinh ra GMail và tôn chỉ của Google: "Don't be evil") có viết:
Bạn không cần phải tìm ra câu trả lời ngay lập tức, điều quan trọng là bạn luôn tiến lên phía trước. Tìm kiếm những cơ hội và thử làm cái gì đó mới mẻ, cái gì đó chưa có kết quả rõ ràng. Nếu bạn hứng thú với các startups, đừng chỉ ngồi một chỗ và chờ đợi cơ hội hoàn hảo, hay đi tìm một startup nào đó thú vị và nhận một công việc ở đó. Startup đó có thể thất bại nhưng bạn sẽ thành công vì bạn có thể học được nhiều hơn bạn nghĩ.
Paul cũng đã lý giải việc quyết định từ bỏ Google và làm FriendFeed là khi Paul cảm thấy cuộc sống ở Google quá bình thường và dễ đoán. Một cuộc sống dập khuôn, gò bó chắc chắn không phải là một cuộc sống thú vị, cũng như những chuyến đi không kế hoạch chắc chắn luôn chứa đựng những bất ngờ, và điều quan trọng, bạn chính là người tự tay khám phá chúng.

Như thường lệ, đến phần tuyển dụng. Hiện tại các điều kiện tài chính, cơ sở vật chất đã tương đối sẵn sàng. Mình vẫn cần thêm các vị trí kỹ thuật:
  • Địa điểm: Hà Nội
  • Thời gian làm việc: toàn thời gian
  • Yêu cầu cơ bản: thành thạo
    • Một trong hai ngôn ngữ lập trình: Java hoặc PHP (C/C++ hoặc Python cũng rất được hoan nghênh)
    • MySQL database.
  • Tuyệt vời hơn nếu có kinh nghiệm với:
  • Mức lương: thỏa thuận theo năng lực.
Nếu bạn nào cảm thấy hứng thú có thể để lại lời nhắn ngay tại bài viết này hoặc liên lạc qua một trong những kênh sau:
  • Email: ninh.nv [at] gmail [dot] com
  • Gtalk: ninh.nv [at] gmail [dot] com
  • Skype: ninhnv
Những trao đổi và ý kiến phản hồi của các bạn luôn được đón nhận.

PS: Cập nhật tình hình set up nơi làm việc (chiến đấu) của anh em. Có tấm hình demo tạm, nôm na nó là như vậy (nhân vật trong hình không phải mình):
Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...